Chiến tranh đã đi qua nhiều năm nhưng những hậu quả mà chiến tranh để lại vẫn còn hiện hữu. Để đất nước độc lập, tự do, bao nhiêu mồ hôi, máu và nước mắt đã đổ xuống trên mảnh đất quê hương. Biết bao người con ưu tú đã ngã xuống, bao người trở về không còn lành lặn, mãi mãi mang thương tật trong mình...Hàng triệu thân nhân liệt sĩ, những bậc ông bà, cha mẹ, những người chồng, người vợ, người con đã mãi mãi không thể gặp lại những người thân yêu nhất của mình.
Khắc sâu trong tâm trí mỗi thế hệ người dân Việt Nam, nhân dân cả nước đã dành riêng ngày 27/7 để tưởng nhớ công lao của các anh hùng liệt sĩ, các đồng chí thương binh, bệnh binh đã hi sinh vì đất nước, vì độc lập tự do của dân tộc. Và để nhân dân ta có dịp tỏ lòng hiếu nghĩa, biết ơn đối với những thương binh,bệnh binh, gia đình liệt sĩ và những người có công với đất nước, tháng 6-1947, Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ thị chọn một ngày trong năm làm “Ngày Thương binh - Liệt sĩ”.
Thực hiện Chỉ thị của Người, Hội nghị trù bị gồm đại biểu các cơ quan, các ngành ở Trung ương, các khối và các tỉnh họp tại xã Phú Minh, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên đã bàn bạc, nhất trí lấy ngày 27 tháng 7 hằng năm làm “Ngày Thương binh - Liệt sĩ”. Kể từ đó, ngày 27 tháng 7 trở thành ngày có ý nghĩa lịch sử, chính trị, xã hội nhân văn sâu sắc, mang đậm bản sắc truyền thống Việt Nam.
Ngày 27/2 hàng năm phản ánh sự đánh giá của Đảng, Nhà nước, nhân dân với những gia đình đã có người hi sinh vì Tổ Quốc. Qua đó, nhằm phát huy tinh thần yêu nước, yêu chủ nghĩa xã hội, tinh thần cách mạng và niềm tin vào sự nghiệp cách mạng mà Bác Hồ và Đảng ta đã lựa chọn, lãnh đạo. Thông qua đó nhằm động viên và đổi mới cách mạng trong công cuộc đổi mới đất nước.
Công tác Thương binh liệt sĩ và chính sách đối với những người có công với cách mạng chính là thể hiện tính ưu việt và bản chất của Đảng và Nhà nước ta. Tạo điều kiện củng cố niềm tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng cũng như sự quản lý của nhà nước. Góp phần tăng thêm tiềm lực cách mạng, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân và cơ sở để giữ vững định hướng xã hội chủ nghĩa, góp phần chống lại thủ đoạn của các thế lực thù địch nhằm chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân, bôi nhọ quá khứ hào hùng của dân tộc.
Thông qua việc đề ra và thực hiện đầy đủ chính sách xã hội đối với thương binh, gia đình liệt sĩ và người có công với cách mạng tiếp tục đóng góp công sức vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, thực sự đã trở thành động lực vật chất, tinh thần giúp họ vươn lên, vượt qua khó khăn thử thách, làm chủ cuộc sống.
Làm tốt công tác đối với thương binh, liệt sĩ và Người có công với cách mạng thể hiện tính ưu việt và bản chất tốt đẹp của Nhà nước ta, củng cố niềm tin của nhân dân ta vào sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lí của Nhà nước, góp phần tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc, làm cơ sở cho giữ vững ổn định chính trị - xã hội, bảo đảm định hướng xã hội chủ nghĩa.
Tăng cường ý thức, trách nhiệm, lòng biết ơn, khơi dậy niềm tự hào dân tộc. Phát huy đạo lí
"Uống nước nhớ nguồn" đền ơn đáp nghĩa của dân tộc. Thể hiện truyền thống nhân văn sâu sắc của dân tộc. Phát huy tinh thần "gia đình cách mạng gương mẫu" góp phần giữ vững ổn định chính trị, phát triển kinh tế.
Đảng, Nhà nước ta luôn chú trọng giáo dục ý thức trách nhiệm, nghĩa vụ công dân và lòng biết ơn sâu sắc của các tầng lớp nhân dân, của các thế hệ đối với liệt sỹ, gia đình liệt sĩ, thương binh, bệnh binh và người có công với cách mạng. Sự cống hiến, hi sinh của họ cho độc lập, tự do của dân tộc, cho hạnh phúc của nhân dân là vô giá, không chỉ cho ngày hôm qua, hôm nay mà cho muôn đời con, cháu mai sau. Việc chăm sóc thương binh, gia đình liệt sĩ và người có công là nghĩa vụ, trách nhiệm và niềm vinh dự của các cấp, các ngành, các tổ chức xã hội và của mọi người, của thế hệ hôm nay và các thế hệ mai sau.
Trong suốt chiều dài lịch sử của dân tộc Việt Nam, trải qua những cuộc kháng chiến trường kì dựng nước và giữ nước, đã có biết bao lớp người làm nên những chiến công vĩ đại, cống hiến, hi sinh, xây dựng, bảo vệ nền độc lập, tự do của Tổ quốc, hạnh phúc của nhân dân. Trong đó, có những người con dũng cảm của thủ đô Hà Nội.
Kỷ niệm 77 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ, với lòng biết ơn vô hạn, thầy và trò trường TH Hạ Đình kính cẩn tưởng nhớ các bậc cách mạng tiền bối, các anh hùng liệt sĩ đã hi sinh vì nền độc lập, tự do và sự thống nhất đất nước bằng nhiều hình thức: Tuyên truyền sâu rộng trong giáo viên, CMHS và học sinh về ý nghĩa ngày Thương binh, liệt sĩ 27/7 trên các phương tiện website, fanpage của nhà trường; tổ chức nhiều hoạt động “Uống nước nhớ nguồn” nhằm tri ân những người có công với đất nước như chăm sóc, viếng Đài tưởng niệm phường Hạ Đình; ủng hộ Qũy Đền ơn đáp nghĩa quận Thanh Xuân…
Hôm nay, chúng ta được sống trong cảnh hòa bình, được cất tiếng hát, lời ca sẽ không quên mảnh đất dưới chân mình đã thấm đượm mồ hôi, xương máu của cha anh đi trước. Thầy và trò trường TH Hạ Đình nguyện không ngừng nỗ lực phấn đấu trong học tập và rèn luyện, đem tài đức cùng lòng nhiệt huyết để trở thành những công dân có ích, cống hiến cho Tổ quốc ngày càng giàu đẹp như Bác Hồ kính yêu hằng mong ước và xứng đáng với sự hi sinh cao cả của các anh hùng liệt sĩ.