Cho đến nay, tình hình dịch bệnh Covid-19 vẫn đang tiếp tục diễn biến phức tạp tại Thành phố Hồ Chí Minh. Để ứng phó với tình hình này, ngoài sự huy động tối đa lực lượng y tế trên địa bàn tham gia lấy mẫu xét nghiệm, triển khai các công việc nhằm tầm soát trên diện rộng để đánh giá nguy cơ nhiễm bệnh tại cộng đồng.
Song song đó, một số lượng lớn sinh viên của các trường đại học cũng được huy động tình nguyện tham gia hỗ trợ công tác phòng chống dịch Covid-19 cho thành phố.
Vừa hỗ trợ chống dịch, vừa đăng ký hiến tạng
Năm nay chỉ mới 20 tuổi, sinh viên Trần Nguyệt Quỳnh Mai (sinh viên năm 2, khoa Xã hội và Nhân văn, Trường Đại học Văn Lang) luôn hăng hái tham gia các phong trào tình nguyện của nhà trường, nhất là chiến dịch Mùa hè Xanh.
Khi dịch bệnh Covid-19 bắt đầu diễn biến phức tạp tại Thành phố Hồ Chí Minh, Quỳnh Mai đã xung phong đăng ký đi tình nguyện, hỗ trợ tại những điểm nóng về dịch.
Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, nữ sinh viên này tâm sự: Động lực lớn nhất, thôi thúc em đi hỗ trợ chống dịch, đó chính là hình ảnh các y bác sĩ đang ngày đêm căng mình chiến đấu với dịch bệnh, vì sự bình yên và an toàn cho người dân thành phố.
|
Sinh viên Quỳnh Mai tại một điểm phòng chống dịch Covid-19 (ảnh: CTV)
|
Thậm chí, có rất nhiều y bác sĩ đã nhiều ngày, nhiều đêm rồi chưa được về với gia đình, chồng con, nên với tinh thần và sức trẻ của mình, Mai đã nhanh chóng đăng ký đi hỗ trợ các điểm chống dịch.
Còn sinh viên Lê Thị Thanh Xuân (khoa Quan hệ công chúng – Truyền thông, Trường Đại học Văn Lang) thì nói rằng: Chính tình yêu với quê hương, đất nước đã thôi thúc Xuân đăng ký đi hỗ trợ tình nguyện.
Ngoài ra, Xuân còn cảm thấy mình là người trẻ, có sức khỏe, nên cũng muốn cống hiến một ít sức lực, dù là nhỏ bé để giúp đỡ nhiều người khác cùng vượt qua đại dịch này.
Sinh viên Thanh Xuân chia sẻ: Hàng ngày, bất cứ công việc nào mà em được giao đều cố gắng hỗ trợ, làm hết mình, có khi là hỗ trợ điều phối, đo nhiệt độ cho người dân, soạn quà phát cho người dân nghèo, tuyên truyền các kiến thức cho người dân về phòng chống Covid-19.
Một kỷ niệm mà em Trần Nguyệt Quỳnh Mai nhớ nhất, đó là trong một lần đi hỗ trợ chống dịch ở quận Gò Vấp, Mai gặp người quen đi xét nghiệm. Dù trước đó gia đình không cho đi tình nguyện, nhưng Mai vẫn quyết đi, cho dù bị mẹ la vì lo lắng cho sức khỏe của Mai.
Sau đó, trong một lần tình cờ ba mẹ của Mai đi lấy mẫu, thì lại vô tình phát hiện ra con gái mình đang hỗ trợ cho người dân. Thế là về nhà, chẳng những không bị la gì, mà ba mẹ Mai lại hết sức quan tâm đến sức khỏe của em, động viên em hết mình.
Cả hai em sinh viên đều cho rằng, mỗi hoạt động hỗ trợ tại các điểm chống dịch đều mạng lại cho các em từng cảm xúc, từng kỷ niệm khác nhau, tất cả đều rất đáng quý.
|
Sinh viên Lê Thị Thanh Xuân đang hướng dẫn người dân (Ảnh: CTV)
|
Theo sinh viên Lê Thị Thanh Xuân, đa phần là các sinh viên tình nguyện đều không biết nhau từ trước. Tuy nhiên, khi đến với các điểm chống dịch thì các bạn rất nhiệt tình, hỗ trợ lẫn nhau.
Có một điều đặc biệt, theo nhà trường cho biết, dù mới chỉ là sinh viên năm 2, nhưng sinh viên Quỳnh Mai đã quyết định sẽ đi đăng ký hiến tạng – món quà vô giá cho những người bị suy tạng, nối dài sự sống cho các bệnh nhân.
Cả Quỳnh Mai và Thanh Xuân đều mong rằng, các thầy cô, sinh viên nói riêng, và mỗi người dân Thành phố Hồ Chí Minh nói chung hãy giữ gìn sức khỏe thật tốt, thực hiện nghiêm túc thông điệp 5K của Bộ Y tế, nhằm giữ gìn cho sức khỏe của chính mình cũng như người xung quanh, sớm đẩy lùi dịch bệnh Covid-19 không còn hiện diện tại Việt Nam.
Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, đại diện Trường Đại học Văn Lang cho biết, đợt dịch Covid-19 lần này, trường có khoảng hơn 100 sinh viên tình nguyện hỗ trợ tại các điểm chống dịch.
Nhiệm vụ chính của các sinh viên là lấy mẫu xét nghiệm, đo nhiệt độ, phân luồng khai báo y tế, nhập dữ liệu, hỗ trợ người dân tại các điểm chống dịch, hay vận chuyển và sắp xếp đồ đạc tại ký túc xá của Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh.
Lấy 2.500 mẫu xét nghiệm trong vòng 6 tiếng
Tại Trường Đại học Hoa Sen (HSU), sinh viên Thái Ngọc Trân Châu (Phó Chủ tịch Hội Sinh viên nhà trường) cho biết, dù biết rằng cuộc chiến chống “giặc Covid-19” rất vất vả, thậm chí là nguy hiểm, nhưng Châu quyết không lùi bước, xông pha thực hiện tốt nhiệm vụ được giao.
Châu được giao làm việc tại khu lấy mẫu xét nghiệm, góp phần sớm phát hiện mầm bệnh trong cộng đồng, giúp thực hiện cách ly trong thời gian sớm nhất để phục vụ có hiệu quả công tác phòng chống dịch Covid-19 cho thành phố Hồ Chí Minh.
|
Sinh viên Thái Ngọc Trân Châu của Trường Đại học Hoa Sen tại điểm tình nguyên (Ảnh: CTV)
|
Bằng tất cả tinh thần trách nhiệm, lòng nhiệt huyết của tuổi trẻ, Châu đã sát cánh cùng với các thành viên trong đội lấy mẫu lấy đủ chỉ tiêu 2.500 mẫu trong suốt 6 tiếng đồng hồ làm việc tại một điểm ở quận 12.
Trân Châu chia sẻ với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, lúc trước khi tham gia công tác tình nguyện này, phần đông các sinh viên khá lo lắng, lại có trở ngại tâm lý từ phía gia đình.
Tuy nhiên, cứ sức trẻ mà dấn thân và cống hiến, Châu cũng như nhiều nữ sinh khác tại HSU đã quyết tâm đăng ký đi tình nguyện, hỗ trợ góp phần đẩy lùi dịch bệnh. Các em có mặt trên mọi mặt trận, lấy mẫu xét nghiệm, nhập dữ liệu thông tin…ở các chốt kiểm dịch, phong tỏa, cách ly.
Nữ sinh Tuyết Hạnh (ngành Logistics của HSU) chia sẻ: Có những lúc em phải vừa làm, vừa học trực tuyến, ngày làm 3 đến 4 ca, thậm chí 12h đêm nghe điện thoại là bình thường do lúc ấy có ca mới.
Dù mệt, nhưng Hạnh vẫn cảm thấy rất vui, vì công việc của mình đang làm giúp ích được cho mọi người, cho xã hội thì cực xíu cũng không sao.
Trò chuyện với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Phó Giáo sư Võ Thị Ngọc Thúy – Quyền Hiệu trưởng của HSU tâm sự: “Tầm nhìn, chiến lược của HSU chính là đào tạo ra nhiều thế hệ sinh viên, nguồn nhân lực mạnh, có tâm, có tầm và có trí, có đạo đức để cống hiến một cách yêu đời, đầy nhiệt huyết cho xã hội.
Nhìn các em nữ sinh viên tham gia công tác tình nguyện đã dấy lên trong tôi một niềm tự hào to lớn, một phần làm sống lại thời thanh xuân, tuổi trẻ đầy nhiệt huyết, một phần củng cố niềm tin sự bình an, phước lành sẽ sớm trở lại trên thành phố, đất nước này”.