Cùng với quá trình đô thị hóa nhanh, thời tiết khí hậu diễn biến bất thường; tình hình cháy, nổ, sự cố, tai nạn ngày một phức tạp, có chiều hướng gia tăng cả về số vụ và thiệt hại. Theo thống kê, trung bình mỗi năm xảy ra trên 3.000 vụ cháy, nổ, làm chết và bị thương trên 300 người, gây thiệt hại về tài sản hàng nghìn tỷ đồng.
Đa số các vụ cháy, nổ, sự cố, tai nạn gây thiệt hại nghiêm trọng xảy ra tại các tỉnh, thành phố lớn; tập trung ở một số loại hình như nhà dân, chung cư, công trình cao tầng, cơ sở sản xuất, kinh doanh… Nguyên nhân chủ yếu là do người dân thiếu kiến thức, kỹ năng về phòng cháy chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ dẫn đến hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, nhiều vụ cháy, nổ, tai nạn, sự cố nạn nhân là đối tượng học sinh, sinh viên.
Trước diễn biến phức tạp của tình hình cháy, nổ, Nhà nước đã chỉ đạo đối với công tác phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ. Thực hiện chỉ đạo đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã phối hợp với Bộ Công an chỉ đạo các đơn vị trực thuộc triển khai một số nhiệm vụ, giải pháp nhằm tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, trang bị kiến thức, kỹ năng về phòng cháy chữa cháy, cứu nạn cứu hộ cho học sinh, sinh viên và giáo viên trong các cơ sở giáo dục.
|
Dạy trẻ mầm non cách phòng tránh và thoát khỏi đám cháy tại Trường mầm non Hà Trì (quận Hà Đông, Hà Nội) - Ảnh minh họa: nguồn Báo Giáo dục và thời đại
|
Được biết, hiện nay Bộ Giáo dục và Đào tạo đang hoàn thiện Thông tư hướng dẫn trang bị kiến thức, kỹ năng về phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ cho học sinh, sinh viên học tập tại các cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân.
Điểm đáng chú ý của Thông tư là nội dung, kiến thức, kỹ năng cơ bản về phòng cháy chữa cháy, cứu nạn cứu hộ sẽ được lồng ghép vào các môn học, hoạt động giáo dục chính khóa trong các nhà trường. Thông qua các hoạt động trải nghiệm, hoạt động trải nghiệm - Hướng nghiệp, hoạt động giáo dục kỹ năng sống và trong các hoạt động sinh hoạt câu lạc bộ, sinh hoạt hè và bằng cách phối hợp với các đơn vị có chức năng trong công tác phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ tổ chức hoạt động đào tạo, thực hành phù hợp với nội dung chương trình đào tạo của các nhà trường.
Chia sẻ với phóng viên, ông Bùi Văn Linh – Vụ trưởng Vụ giáo dục chính trị và công tác học sinh, sinh viên (Bộ Giáo dục và Đào tạo) cho biết, Thông tư hướng dẫn trang bị kiến thức, kỹ năng về phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ cho học sinh, sinh viên sẽ được lồng ghép vào các môn học cụ thể trong Chương trình giáo dục phổ thông hiện hành đã đưa nội dung về phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ vào Chương trình các môn học như: Đạo đức, Giáo dục công dân, khoa học tự nhiên, xã hội, Giáo dục Quốc phòng, an ninh, Địa lý, Hóa học…
Tương tự trong Chương trình giáo dục mầm non cũng đã lồng ghép nội dung về phòng cháy chứa cháy, cứu nạn cứu hộ. Riêng đối với giáo dục đại học, tại điểm d, khoản 1, Điều 36 Luật Giáo dục đại học quy định ‘‘Cơ sở giáo dục đại học tự chủ, tự chịu trách nhiệm trong việc xây dựng thẩm định, ban hành chương trình đào tạo trình độ cao đẳng, đại học, thạc sĩ, tiến sĩ’’.
Ông Linh nêu, việc kiến thức về phòng cháy chữa cháy, cứu nạn cứu hộ trong chương trình giáo dục phổ thông, kể cả Chương trình giáo dục phổ thông hiện hành và Chương trình giáo dục phổ thông mới 2018 có rất ít và đa phần vẫn là kiến thức về pháp luật, trong tổng số 12 năm học kiến thức về phòng cháy chữa cháy, cứu nạn cứu hộ chưa được 15 tiết học. Trong 15 tiết học này lại phân bổ rải rác vào các năm học khác nhau, dẫn đến sự rời rạc kiến thức. Với những nội dung như vậy học sinh sẽ rất khó khăn để hình thành các kỹ năng về phòng cháy chữa cháy, cứu nạn cứu hộ
Chưa kể, hoạt động giáo dục kiến thức, kỹ năng về phòng cháy chữa cháy, cứu nạn cứu hộ vẫn còn một số tồn tại hạn chế.
Như vậy có thể thấy việc chưa có quy định cụ thể về thời lượng, nội dung, tài liệu, giảng viên phổ biến kiến thức, kỹ năng về phòng cháy chữa cháy, cứu nạn cứu hộ cho các cơ sở giáo dục là một vấn đề còn hạn chế cần được giải quyết.
“Chính vì vậy, Thông tư này nhằm giải quyết vấn đề chuẩn hóa công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật, kiến thức, kỹ năng về phòng cháy chữa cháy, cứu nạn cứu hộ cho học sinh, sinh viên trong các cơ sở giáo dục tại các địa phương.
Hình thành và rèn luyện cho học sinh, sinh viên, học viên, cán bộ quản lý giáo dục, nhà giáo, viên chức, nhân viên trong các cơ sở giáo dục các kiến thức, kỹ năng về phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ. Và hướng dẫn các cơ sở giáo dục thực hiện tốt công tác bảo đảm an toàn phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ theo quy định của pháp luật", ông Linh nói.
Theo Thùy Linh