Làm cha mẹ rất khó, làm một chàng trai/ cô gái tuổi teen cũng rất khó. Ảnh minh họa: Twitter.
Bố mẹ nào cũng muốn cho con những gì mình có, mình nghĩ là tốt nhất, nhưng đôi khi lại không phải là thứ con mình cần. Thế mới dẫn đến khoảng cách thế hệ, dẫn đến những hiểu lầm đáng tiếc, và dẫn đến những hậu quả xót xa.
“Có nuôi con mới hiểu lòng cha mẹ” - câu đó là thật. Làm bố làm mẹ rất khó khăn, bởi vai trò của họ không chỉ là bố là mẹ. Họ là người chăm sóc, người chỉ dẫn, người truyền cảm hứng, người cố vấn, người hỗ trợ, người đặt ra kỷ luật…, và còn cần là một người bạn thân của con cái.
Tạp chí Parents (Cha mẹ) của Mỹ đã hỏi ý kiến của nhiều bạn tuổi teen, để từ đó tổng hợp lại những cách mà các bạn ấy muốn bố mẹ sẽ kết nối với mình. Sự kết nối đó tất nhiên không phải một sớm một chiều là có, mà cả đôi bên đều cần xây dựng, vun đắp, đòi hỏi sự kiên trì, nhẫn nại, trong đó vai trò của bố mẹ là chủ yếu vì bố mẹ là người trưởng thành.
Theo Parents, bố mẹ cần 3 điều cơ bản để có thể kết nối với con cái tuổi teen: Tư duy mở, sự bình đẳng, và thái độ ủng hộ. Đó là 3 điều mà bố mẹ cần luôn nhớ và lấy làm nền tảng. Ngoài ra, đây là 4 cách mà con cái tuổi teen mong muốn bố mẹ có thể làm để kết nối với mình:
1. Lắng nghe
Dù đôi khi có vẻ kiệm lời, nhưng thực ra, bạn teen nào cũng mong bố mẹ có thể chia sẻ những sở thích và phần cuộc sống của mình ở trường học. Bố mẹ cứ đặt câu hỏi chân thành, dần dần con sẽ mở lòng và kể rất nhiều chuyện. “Bí quyết” ở đây chính là tìm nền tảng tương đồng: Bố mẹ hãy kể về cuộc sống của chính mình, về các mối quan hệ xã hội và công việc của mình. Bản năng của con người là sẽ chia sẻ khi đối phương chia sẻ, nên bố mẹ kể, rồi con sẽ kể.
Bố mẹ không cần phải giả vờ rằng mình cũng đã trải qua tất cả những gì con đã trải qua, nhưng việc tạo cho con cảm giác rằng cuộc sống của mình và của con tương đồng, liên quan tới nhau, là rất quan trọng. Còn với những điều con nói mà bố mẹ cũng chưa có trải nghiệm, thì đó là cơ hội tốt để im lặng và lắng nghe.
|
Lắng nghe là kỹ năng nền tảng để xây dựng bất kỳ mối quan hệ nào. Ảnh minh họa: Izabela Habur/ Getty Images.
|
Một khi lắng nghe, bố mẹ có thể đặt câu hỏi xoay quanh chuyện của con, nhưng xin bố mẹ đừng ngắt lời để quay sang nói về mình, khiến cho trung tâm câu chuyện đang là con lại chuyển sang thành bố mẹ. Bố mẹ cũng đừng ngăn cản con nói khi con động đến những vấn đề mà bố mẹ không thích hoặc không đồng ý. Tư duy mở là yếu tố cốt yếu để bố mẹ xây dựng lòng tin ở con và khẳng định với con rằng, con không bao giờ bị bố mẹ từ chối lắng nghe.
2. Tôn trọng sự phát triển
Một bạn teen ở Mỹ đã nói thế này: “Ở tuổi teen, bọn con vẫn cần bố mẹ chăm sóc và dạy dỗ rất nhiều, nhưng bọn con cũng hy vọng sẽ có được sự cân bằng giữa kỷ luật, sự hướng dẫn và hỗ trợ. Nếu bố mẹ nói: “Khi bố/ mẹ ở tuổi con, cuộc sống còn khó khăn hơn nhiều”, thì bọn con cảm thấy rằng những trải nghiệm và những “cuộc chiến” của bọn con có vẻ thật “vớ vẩn”, không đáng để đề cập. Bọn con mong bố mẹ tôn trọng và đối xử với bọn con như những người lớn - những con người mà bọn con đang trở thành”.
|
Bố mẹ nên tôn trọng sự phát triển của con, đừng mãi coi con như một đứa trẻ chẳng biết gì. Ảnh minh họa: Shutterstock.
|
Vai trò chỉ dẫn của bố mẹ có thể giảm dần khi mức độ trưởng thành và các kỹ năng của con cái tăng lên, nhưng con sẽ luôn cần sự ủng hộ của bố mẹ, đôi khi là như những người bạn thân với nhau.
3. Sự ủng hộ chân thành
Sự ủng hộ của bố mẹ bao gồm cả về thể chất lẫn cảm xúc, đôi khi là về tài chính trong những lúc thích hợp. Nhưng như thế không có nghĩa là bố mẹ lúc nào cũng kè kè bên cạnh con (thể chất), lại càng không phải là cứ cho con nhiều tiền (tài chính). Mà sự ủng hộ có nghĩa là ngoài những thời khắc đẹp mà bố mẹ cần ở bên cạnh con (con tốt nghiệp, con nhận bằng khen, con có trận thi đấu thể thao quan trọng...), thì bố mẹ cũng chú ý tới những lúc con gặp khó khăn, để con thấy rằng bố mẹ muốn cùng con vượt qua. Thật ra, những lúc gặp khó khăn thì không phải dễ mà teen chia sẻ, nên đây là lúc bố mẹ cần kiên nhẫn, để chứng tỏ cho con thấy rằng bố mẹ không bao giờ “mặc kệ” con.
|
Con cần sự ủng hộ của bố mẹ, đôi khi với tư cách những người lớn hơn, và đôi khi với tư cách những người bạn. Ảnh minh họa: Maskot/ Getty Images.
|
Mong bố mẹ cứ ở bên để trao cho con tình yêu thương và sự động viên, trong khi con cố gắng tìm con đường đi trong cuộc sống của mình ở độ tuổi này.
4. Dành thời gian
Có một điều mâu thuẫn là thế này: Con cái tuổi teen tạo cho bố mẹ cảm giác là muốn đẩy bố mẹ ra xa, nhưng thực ra lại rất muốn có thời gian 1:1 với bố mẹ, nhưng phải theo cách và theo những “điều kiện” của con. Một số bố/ mẹ rất tâm lý sẽ cùng con đi ăn sáng hoặc ăn trưa một buổi vào cuối tuần, chỉ có bố hoặc mẹ với con, để nghe con nói và để ở bên con. Cũng có bố/ mẹ tham gia tập thể thao cùng con (tùy con quyết định là môn nào, giờ nào). Tính riêng tư này khiến các bạn teen thoải mái hơn. Bởi tâm lý tuổi teen là sẽ phản kháng, cự tuyệt, tách rời nếu thấy ngột ngạt do có nhiều người lớn, hoặc thấy mình bị “theo dõi”, “giám sát”.
Còn nếu teen cảm thấy bố mẹ thích dành thời gian để cùng làm một việc gì đó mà mình thích, thì đó là cơ hội tuyệt vời để bố mẹ kết nối với con.
|
Một bữa sáng riêng tư của bố/ mẹ với con mỗi tuần là một ý tưởng rất hay, được nhiều chuyên gia tâm lý khuyên làm. Ảnh minh họa: iStock.
|
Làm bố mẹ rất khó, làm một chàng trai/ cô gái tuổi mới lớn cũng rất khó. Mối kết nối nào cũng cần có thời gian, cũng như mọi điều quan trọng khác trong cuộc sống này. Cần rất nhiều thời gian và công sức, nhưng là xứng đáng. Mong rằng mỗi chúng ta, dù ở vai trò nào, trong tình huống nào, cũng kiên nhẫn, cởi mở và chân thành. Như thế, cuộc sống của ai cũng sẽ tốt đẹp hơn rất nhiều.