MĨ THUẬT 2
Tác giả:
Đoàn Thị Mỹ Hương, Đinh Gia Lê (đồng Tổng Chủ biên)
Trần Thị Biển (Chủ biên)
Phạm Duy Anh - Bạch Ngọc Diệp
Trần Thị Thu Trang - Bùi Quang Tuấn
Mĩ thuật 2 có những điểm mới thể hiện rõ nét đặc trưng của SGK dạy ngôn ngữ tạo hình, thị hiếu thẩm mĩ, tư duy sáng tạo theo mô hình phát triển phẩm chất và năng lực cho người học, cụ thể như sau:
- Các nội dung, kiến thức, kĩ năng trong sách được dạy học tích hợp trong một chủ đề, thông qua các hoạt động chủ đạo phù hợp với khả năng nhận thức của HS: Quan sát – Thể hiện – Thảo luận – Vận dụng.
- Các dạng bài thực hành trong sách bao gồm các nội dung mĩ thuật tạo hình - ứng dụng, cũng như các kĩ năng vẽ, xé - dán, trang trí, nặn, làm sản phẩm từ vật liệu tái sử dụng... giúp khơi gợi hứng thú tìm tòi, khám phá cũng như bồi dưỡng khả năng tưởng tượng, sáng tạo của HS.
- Sách chú trọng tính hấp dẫn khi sử dụng ngữ liệu, hình ảnh đặc thù trong lĩnh vực mĩ thuật như: hình ảnh từ cuộc sống có nhiều màu sắc, sản phẩm mĩ thuật thú vị, tác phẩm mĩ thuật của những danh họa nổi tiếng... tạo hứng thú đối với môn học cho HS.
- Sách được biên soạn đáp ứng tính mở, điều này được thể hiện ở việc GV hoàn toàn có thể sử dụng tranh, ảnh, sản phẩm mĩ thuật mở rộng hay bổ sung cho các chủ đề để phù hợp với đặc thù của địa phương, cũng như khai thác vốn kinh nghiệm của HS trong dạy học, trên cơ sở bám sát vào mục tiêu của chủ đề.
- Đánh giá trong sách đảm bảo tính đại trà, tính phân hóa, yếu tố năng khiếu cũng như có hướng đánh giá phù hợp với nhiều đối tượng HS.
Video giới thiệu:
https://www.youtube.com/watch?v=tmc9NIlxXGQ&list=PLo29P-_un4iPgqW8HhcpGavEUNzdatfMG&index=6
GIÁO DỤC THỂ CHẤT 2
Tác giả:
Nguyễn Duy Quyết - Hồ Đắc Sơn (đồng Tổng Chủ biên)
Lê Anh Thơ (Chủ biên)
Nguyễn Thị Hà - Đỗ Mạnh Hưng - Vũ Văn Thịnh - Vũ Thị Hồng Thu
Sách được biên soạn theo mô hình phát triển phẩm chất và năng lực người học; theo định hướng kết nối tri thức với cuộc sống và mục tiêu của phong trào thể thao Olympic là “nhanh hơn, cao hơn, mạnh hơn”; giúp các em biết cách chăm sóc sức khoẻ, có kĩ năng vận động đúng đắn, hướng tới một môn thể thao ưa thích, tạo hứng khởi để học tập các môn và vui chơi trong suốt cả năm học.
Nội dung của sách được thiết kế theo phần, chủ đề, mỗi chủ đề được biên soạn theo từng bài, mỗi bài dạy trong một số tiết (thay vì 1 tiết như trước đây). Ở mỗi nội dung, hệ thống các bài tập thực hành, trò chơi được thiết kế mang tính trực quan, gắn với thực tiễn, đảm bảo phục vụ cho tất cả các đối tượng HS sử dụng. Các nội dung của cuốn sách được lồng ghép rất nhiều hoạt động, trò chơi giúp học sinh cùng giáo viên có thể trải nghiệm và tổ chức lớp học một cách đa dạng.
Cấu trúc mỗi bài gồm 4 hoạt động: Mở đầu (khởi động và chơi các trò chơi bổ trợ khởi động); Kiến thức mới (nội dung bài học); Luyện tập (tập luyện, chơi trò chơi vận động để củng cố nội dung bài học và phát triển thể lực); Vận dụng (củng cố và khắc sâu kiến thức đã học qua các bài tập, tình huống thực tế). Cách tiếp cận này sẽ giúp giáo viên linh hoạt hơn trong giảng dạy tuỳ theo thực tế của lớp học.
Nhiều nội dung văn học, âm nhạc, tự nhiên – xã hội, bảo vệ môi trường được lồng ghép không chỉ giúp học sinh cảm thấy sự gần gũi của các hoạt động thể dục thể thao quanh ta mà còn tăng thêm hiểu biết, vốn sống cho các em.
Nội dung Kiến thức chung về Giáo dục thể chất gồm Vệ sinh cá nhân và Đảm bảo an toàn trong tập luyện, được thiết kế để dạy lồng ghép trong mỗi buổi tập (Phần mở đầu hoặc Phần kết thúc).
Công tác minh hoạ đặc biệt được chú trọng đảm bảo tính xuyên suốt, tính lôgic và thẩm mĩ cao trong toàn bộ cuốn sách. Từng chi tiết nhỏ như kĩ thuật động tác, tư thế thân người, góc nhìn, phù hợp lứa tuổi, bối cảnh gần gũi với thực tế… đều được cân nhắc rất kĩ lưỡng.
Video giới thiệu:
https://www.youtube.com/watch?v=oUBi3sh-Vw4&list=PLo29P-_un4iPgqW8HhcpGavEUNzdatfMG&index=3
ÂM NHẠC 2
Tác giả
Hoàng Long, Đỗ Thị Minh Chính (đồng Tổng Chủ biên, kiêm Chủ biên)
Nguyễn Thị Thanh Bình - Mai Linh Chi
Nguyễn Thị Phương Mai - Nguyễn Thị Nga
Đặng Khánh Nhật - Trần Thị Kim Thăng - Nguyễn Thị Thanh Vân
Âm nhạc 2 bám sát chương trình mới 2018, khi tiếp cận và vận dụng, sách có độ mở nhất định nhưng đảm bảo đầy đủ kiến thức, kĩ năng và yêu cầu cần đạt của chương trình.
Nội dung sách nhẹ nhàng, hấp dẫn, phù hợp với việc dạy học đại trà. Các bài học được thiết kế theo chủ đề, trong đó bài hát là trung tâm. Tích cực hóa việc học tập của HS thông qua các hoạt động: khởi động, khám phá, luyện tập và vận dụng/sáng tạo. Vận dụng giáo dục tích hợp trong nội bộ môn học và liên môn.
Nối tiếp Âm nhạc 1, SGK Âm nhạc 2 đem đến cho HS những kiến thức và trải nghiệm ban đầu về nghệ thuật âm nhạc phù hợp với lứa tuổi, góp phần giáo dục và phát triển thẩm mĩ nghệ thuật, thẩm mĩ âm nhạc, đáp ứng những yêu cầu cần đạt của chương trình môn học. Từ mục tiêu, nội dung, yêu cầu cần đạt được quy định trong Chương trình âm nhạc lớp 2, sách đã cụ thể hóa thành nội dung học tập và các hoạt động.
Sách được trình bày theo 8 chủ đề, mỗi chủ đề có 1 bài hát và các nội dung như: Nghe nhạc; Tập đọc cao độ, bài tập tiết tấu, bài đọc nhạc; Giới thiệu nhạc cụ, kể chuyện âm nhạc… Các bài hát được chọn lọc cho HS học phù hợp với độ tuổi, gồm bài hát thiếu nhi, nhạc nước ngoài, dân ca VN. Giai điệu các bài hát vui tươi, trong sáng, dễ học, dễ nhớ, nội dung các bài hát đa dạng, có tính giáo dục cao.
SGK Âm nhạc 2 được trình bày và minh họa đẹp, bắt mắt, hình vẽ sinh động, gần gũi với tâm lí trẻ thơ, mang đến cho HS niềm vui, sự thích thú, hào hứng khi học môn Âm nhạc.
Video giới thiệu:
https://www.youtube.com/watch?v=MOeSQbB6oE4&t=192s
HOẠT ĐỘNG TRẢI NGHIỆM 2
Tác giả:
Lưu Thu Thủy - Bùi Sỹ Tụng (đồng Tổng Chủ biên)
Nguyễn Thụy Anh - Nguyễn Thanh Bình (đồng Chủ biên)
Vũ Thị Lan Anh - Nguyễn Thị Thanh Bình - Bùi Thị Hương Liên
Lê Thị Luận - Trần Thị Tố Oanh - Trần Thị Thu
SGK Hoạt động trải nghiệm 2 được thiết kế kỹ lưỡng, đa dạng về phương thức hoạt động với 3 loại hình hoạt động chính theo quy định của Chương trình: Sinh hoạt dưới cờ, Hoạt động giáo dục theo chủ đề, Sinh hoạt lớp. Ngoài ra, các hoạt động cùng bố mẹ, người thân, hàng xóm được thiết kế trong một số nhiệm vụ sau giờ học cũng liên quan mật thiết đến các nội dung trải nghiệm do GV tiến hành trên lớp, giúp duy trì sự kết nối chặt chẽ giữa nhà trường và gia đình trong việc tạo cơ hội cho HS tiếp cận thực tế cao nhất, thể nghiệm các cảm xúc tích cực, khai thác những kinh nghiệm đã có và huy động tổng hợp kiến thức, kĩ năng của các môn học để thực hiện những nhiệm vụ được giao... (trích Chương trình GDPT 2018)
Các nhiệm vụ đều xoay quanh những thử thách từ cuộc sống thật của HS, những gì HS quan sát được và hành động trong thực tế cá nhân mình. Bốn mạch nội dung lớn mà Chương trình quy định (Hoạt động hướng vào bản thân; Hoạt động hướng đến xã hội; Hoạt động hướng đến tự nhiên; Hoạt động hướng nghiệp) đã được triển khai thành 9 chủ đề cụ thể, vừa sức, dễ theo dõi và thiết thực với HS lớp 2, khiến HS dễ nhớ thông điệp, dễ vận dụng các kĩ năng, kiến thức mới vào thực tế. GV hoàn toàn có thể chủ động lựa chọn thứ tự tiến hành các nội dung phù hợp với trình độ và đặc điểm khác biệt của HS, phù hợp với điều kiện văn hoá, kinh tế, xã hội, yêu cầu giáo dục của trường, của địa phương. Tuy nhiên, trong cuốn Hoạt động trải nghiệm 2, nhóm tác giả có ý thức sắp xếp thứ tự các chủ đề, các tuần hoạt động theo dự kiến kế hoạch dạy học tương đối gần gũi với nội dung hoạt động theo chủ đề, chủ điểm sinh hoạt Sao nhi đồng và nhà trường.
Tuần 35 là tuần diễn ra các hoạt động tổng kết năm học. Đây là điểm mới so với Hoạt động trải nghiệm 1. GV có thể tiến hành đánh giá kết quả trải nghiệm của HS thông qua hoạt động này. Đây cũng là hoạt động được đề xuất để tạo động lực tiếp tục tham gia các hoạt động trải nghiệm trong kì nghỉ hè và năm học sau. Dưới hình thức là trải nghiệm tại lớp với chuyến đi của con tàu qua các hòn đảo, HS thể hiện lại những kĩ năng, kiến thức đã từng trải nghiệm, nhắc lại các “bí kíp” đã từng cùng thầy, cô giáo khái quát.
Kế hoạch trải nghiệm mùa hè của HS. Đây là điểm mới thứ hai so với sách Hoạt động trải nghiệm 1. Lớp 2, HS cần tăng cường rèn luyện kĩ năng lập kế hoạch và thực hiện kế hoạch. HS lập kế hoạch cho việc trải nghiệm trong hè. GV cần thảo luận chung với cả lớp để HS có thể chỉnh sửa kế hoạch sao cho gần nhất với thực tế.
Những câu hỏi ở cuối một chủ đề trải nghiệm giúp HS tự đánh giá hoạt động của mình: hoàn thành hay chưa hoàn thành. Với thao tác đánh giá thường xuyên, HS được tạo điều kiện nhận xét mức độ hoàn thành nhiệm vụ của mình, của nhóm thông qua việc thực hiện các hoạt động nhóm.