https://thanhxuan.hanoi.gov.vn/portal/Pages/2019-9-11/Nguoi-dan-yen-tam-hon-khi-duoc-giai-dap-ve-suc-kholdqp6q59pyc5.aspx
Bác sĩ Chử Thị Chung tư vấn về cách phòng, tránh lây nhiễm thủy ngân cho người dân
Sáng 11-9, tại nhà văn hóa phường Thanh Xuân Trung (quận Thanh Xuân), Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố Hà Nội phối hợp với Trung tâm Y tế quận Thanh Xuân tổ chức hội nghị tăng cường truyền thông hướng dẫn chăm sóc sức khỏe cộng đồng tại khu vực liên quan đến vụ cháy ở Công ty Rạng Đông ngày 28-8 vừa qua cho người dân phường Thanh Xuân Trung.
Bác sĩ Chử Thị Chung, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố Hà Nội cho biết, thủy ngân tồn tại trong môi trường đất, nước, không khí ở mức rất thấp. Đây cung là kim loại được ứng dụng trong nhiều ngành như công nghiệp, nông nghiệp, y tế…
Theo chuyên gia này, thủy ngân có thể xâm nhập vào cơ thể con người qua ba con đường chính là: Hô hấp, da và đường tiêu hóa, trong đó tỷ lệ thủy ngân được hấp thụ nhiều nhất là qua đường hô hấp. Nguyên nhân nhiễm độc thủy ngân gồm: Do nhầm lẫn vô ý; cố ý; ô nhiễm môi trường.
Bác sĩ Chung cũng hướng dẫn người dân cách phòng tránh nhiễm độc thủy ngân, như: Không thu gom, sử dụng nước mưa sau vụ cháy; không sử dụng nước giếng khoan chưa qua kiểm soát; đảm bảo các dụng cụ chứa nước có nắp đậy kín thường xuyên...
Bà Chu Thị Cảnh, tổ 24 phường Thanh Xuân Trung đặt câu hỏi cho chuyên gia y tế.
Nhiều người dân đã đặt câu hỏi cho các chuyên gia xoay quanh nội dung về hiểu như thế nào cho chính xác các dữ liệu được công bố về kết quả xét nghiệm thủy ngân tại khu vực bị cháy; hàm lượng thủy ngân trong máu ở mức 0,56 mcg/l có an toàn không?...
Ths.BS Hà Lan Phương giải đáp thắc mắc của người dân.
Giải đáp thắc mắc của người dân, Ths.BS Hà Lan Phương, Phó trưởng Khoa Khám bệnh chuyên ngành, Viện Sức khỏe nghề nghiệp và môi trường (Bộ Y tế) cho biết, thành phố Hà Nội đã và đang làm tất cả mọi biện pháp để tránh phát tán ô nhiễm ra xung quanh sau vụ cháy tại Công ty Rạng Đông. Thành phố đã mời đơn vị chuyên sâu về xử lý ô nhiễm môi trường để thực hiện các nhiệm vụ tẩy độc cho khu vực này.
Thời gian qua, theo công bố của các cơ quan chuyên môn, hàm lượng thủy ngân tại khu vực bị cháy đều trong giới hạn cho phép và việc quan trắc vẫn được các cơ quan chuyên môn duy trì hằng ngày. Người dân nên cập nhật thông tin trên các báo chính thống để có thông tin chính xác nhất.
Các chuyên gia y tế tại hội nghị.
Qua khám sức khỏe cho người dân tại các Trạm Y tế phường Hạ Đình và Thanh Xuân Trung, các chuyên gia thấy rằng, do ảnh hưởng của truyền thông và mạng xã hội, không ít người dân đã lo lắng quá mức và nghĩ mình đã bị ảnh hưởng bởi thủy ngân. Tuy nhiên, chuyên gia khuyến cáo, chỉ khi có các dấu hiệu đau đầu, khó thở..., người dân mới cần thiết đến các cơ sở y tế để được khám, kiểm tra.
Về kết quả xét nghiệm thủy ngân, Ths.BS Hà Lan Phương khẳng định, hàm lượng thủy ngân máu ở mức 0,56 mcg/l là trong giới hạn bình thường.
Sau khi được các chuyên gia y tế tư vấn, giải đáp thắc mắc, đa số người dân đã yên tâm hơn. Bà Vũ Thị Thu Hiền (tổ 26 phường Thanh Xuân Trung) cho biết, nhà bà cách Công ty Rạng Đông 250m. Sau khi vụ cháy xảy ra, bà và gia đình rất lo lắng, nhưng không sơ tán. Một ngày sau vụ cháy, gia đình bà đã dọn dẹp, vệ sinh nhà cửa sạch sẽ và công việc này được duy trì hằng ngày.
"Những ngày qua, có nhiều thông tin khác nhau khiến tôi khá hoang mang. Tuy nhiên, sau khi được tuyên truyền, giải đáp từ các chuyên gia, tôi đã yên tâm hơn nhiều”, bà Hiền nói.
Còn bà Hà Thị Quý (tổ dân phố số 9, phường Thanh Xuân Trung) chia sẻ: “Sau khi xảy ra vụ cháy, tôi đã tiến hành tổng vệ sinh nhà cửa để tránh tác hại của thủy ngân, nhưng cũng không tránh khỏi lo lắng bởi không biết mình đã tổng vệ sinh đúng cách, triệt để chưa. Sau khi nghe chuyên gia y tế tư vấn, tôi đã hiểu hơn về tác hại của thủy ngân, bớt hoang mang. Sau buổi hôm nay, tôi sẽ thông tin lại cho người dân ở tổ dân phố để cùng thực hiện tổng vệ sinh đúng cách và không còn lo lắng nữa”.